Sự kiện (1973-1975) Địa điểm căn cứ Cục hậu cần Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (1973–1975)

Trong Chiến tranh Việt Nam, đặc biệt là giai đoạn 1973-1975, căn cứ Cục hậu cần Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đóng vai trò, vị trí chiến lược hết sức quan trọng, đối với chiến trường B2 nói riêng, miền Nam nói chung. Trong giai đoạn lịch sử 1973-1975, di tích căn cứ Cục hậu cần Miền đã gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử tiêu biểu như:

  • Sau khi Hiệp định Pa-ri được ký kết (27/01/1973), để phù hợp với tình hình mới có lợi cho cách mạng miền Nam, Bộ Tư lệnh Miền đã dời căn cứ từ huyện Dương Minh Châu (tỉnh Tây Ninh) về căn cứ Tà Thiết thuộc xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Long cũ (nay là tỉnh Bình Phước) [7], tại đây bố trí: Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh Miền, nơi ở và làm việc các lãnh đạo chỉ huy, nhà khách và các cơ quan của Cục Tham mưu, Cục Chính trị. Riêng các cơ quan cục Hậu cần Miền chuyển từ Campuchia về đóng quân tại căn cứ Cầu Trắng, xã Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh (khu B). Vòng ngoài dịch về phía các xã Lộc Thành, Lộc Tấn, gồm các bộ phận trực thuộc các Cục, như Trường huấn luyện, Bệnh viện, Thông tin… Ngoài ra, các cơ quan hậu cần, các kho hậu cần thuộc Cục Hậu cần Miền được bố trí tại nhiều khu vực ở các xã Lộc Quang, Lộc Hòa, Lộc Hiệp, Lộc Tấn - những địa điểm nằm ở khu vực cuối cùng của tuyến đường vận tải chiến lược đường 559 (đường Trường Sơn), thuận tiện cho công tác tiếp nhận vật chất hậu cần kỹ thuật chi viện từ miền Bắc.
  • Chiến dịch Nguyễn Huệ (31/3/1972 - 28 /1 /1973) - đã Giải phóng một phần các tỉnh Bình Long, Phước Long, tỉnh Tây Ninh làm nơi đóng trụ sở của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, làm bàn đạp uy hiếp Sài Gòn từ hướng Bắc và Tây Bắc. lập nên thế trận "da báo" ở miền Đông Nam Bộ trước khi Hiệp định Paris được ký kết. Ngày 7 tháng 4 năm 1972, Lộc Ninh được hoàn toàn giải phóng và trở thành thủ phủ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Vùng giải phóng được mở rộng là một thuận lợi rất lớn cho việc xây dựng căn cứ.
  • Tiêu diệt yếu khu Bù Bông - chi khu Kiến Đức năm 1973, mở rộng hành lang vận chuyển chiến lược đường Trường Sơn vào Nam Bộ;
  • Tháng 3 năm 1973, Bộ Tổng Tư lệnh cử một đoàn cán bộ do đồng chí Đinh Đức Thiện – Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần dẫn đầu vào thị sát, kiểm tra công tác hậu cần chiến trường B2 để ra kế hoạch chi viện chiến trường 3 năm (1973-1975). Cùng đi với đoàn còn có đồng chí Tố Hữu, Thường trực Ban Bí thư TƯ Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ và đồng chí Nguyễn Thọ Chân, Phó Ban Thống nhất TƯ. Đoàn đã chỉ đạo Hậu cần chiến trường đẩy mạnh xây dựng căn cứ và các đơn vị hậu cần, phát triển sản xuất, tăng cường thu mua dự trũ, củng cố giao thông vận tải, điều chỉnh lại tổ chức, bố trí lực lượng để đưa thế và lực hậu cần trên chiến trường lên một bước vững chắc, đảm bảo cho thắng lợi cách mạng.
  • Tháng 11/1973, Đánh phá tổng kho xăng dầu Nhà Bè “dạ dày chiến tranh” lớn nhất của địch ở miền Nam;
  • Chiến dịch Đường 14 - Phước Long (13/12/1974 - 6/1/1975), kết quả ta đã đạt được mục tiêu mở rộng vùng giải phóng, chiếm được hoàn toàn tỉnh Phước Long chỉ còn cách không xa Sài Gòn, trung tâm chỉ huy QLVNCH. Mở thông tuyến nối giữa Sài Gòn với Nam Tây Nguyên, phía Bắc đông Nam Bộ và Đông Bắc Campuchia (qua đường 331 và quốc lộ 14)… Trong những cuộc tấn công đầu tiên, phá các đồn nhỏ của VNCH ở Bù Đăng và Bù Na trên Đường 14, Quân giải phóng đã thu được nguyên vẹn 4 khẩu lựu pháo 105 mm và 7.000 viên đạn pháo, đã góp phần cho cục Hậu cần Miền tăng được lượng dự trữ vật chất kỹ thuật đảm bảo cho chiến đấu (xin lưu ý là với số lượng 7.000 viên đạn pháo là hơn nửa số đạn mà Bộ Tổng Tham mưu có kế hoạch sử dụng trong suốt chiến dịch 1975 trên toàn quốc), BTL Miền bây giờ đã có thể yên tâm sử dụng lượng chiến lợi phẩm này cho cuộc tấn công vào thủ phủ của tỉnh Phước Long mà thậm chí không cần động tới số dự trữ đạn dược khi đó. Trên thực tế, Cục Hậu cần Miền kỳ vọng sẽ thu được thậm chí còn nhiều đạn được hơn ở các căn cứ địch lớn hơn... Vào ngày 6 tháng 1, Sư đoàn 3 và 7 hoàn tất việc chiếm tỉnh Phước Long và thu được thêm 10.000 viên đạn pháo… Qua những trận thắng lợi ròn rã của chiến dịch, ta đã đánh và chiếm các kho đạn dược của địch để bổ sung cho ta, giải quyết được vấn nạn thiếu đạn dược nghiêm trọng [8]… Chiến dịch còn mang ý nghĩa chiến lược quan trọng là thăm dò phản ứng của Hoa Kỳ cũng như khả năng ứng cứu, phản kích, giải tỏa của Quân lực Việt Nam Cộng hòa trước khi bước vào Chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, đưa đến sự sụp đổ của Quân lực và chính quyền Việt Nam Cộng hòa.
  • Chiến dịch Xuân Lộc - Long Khánh, diễn ra trong khoảng 9-20 tháng 4 năm 1975 giữa Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đối đầu Quân lực Việt Nam Cộng hòa (QLVNCH) với sự hỗ trợ của Bộ chỉ huy Viện trợ Quân sự Mỹ tại Việt Nam. Chiến dịch này là một mốc quan trọng của quá trình tiến tới sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, vì Xuân Lộc là khu vực phòng thủ trọng yếu trong tuyến phòng thủ cơ bản (Biên Hòa - Xuân Lộc - Bà Rịa - Vũng Tàu) của QLVNCH để phòng giữ cửa ngõ phía đông của Sài Gòn [9].
  • Để chuẩn bị cho Chiến dịch giải phóng Sài Gòn – Gia Định (ngày 14 tháng 4 năm 1975 được đổi tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh). Đầu tháng 4 năm 1975, đồng chí Trung tướng Đinh Đức Thiện Phó Tư lệnh chiến dịch, thay mặt Quân ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch, đã giao nhiệm vụ cho Cục Hậu cần Miền thực hiện nhiệm vụ hậu cần chiến dịch. Theo quyết định của Quân uỷ và Bộ Tư lệnh Miền, Cục Hậu cần Miền được tổ chức thành cơ quan Hậu cần chiến dịch. Thiếu tướng Bùi Phùng[10], Cục trưởng Cục Hậu cần Miền là Chủ nhiệm hậu cần Chiến dịch Hồ Chí Minh [11]. Trước đó, để nâng cao năng lực hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị ngành hậu cần kỹ thuật tiền phương, Cục Hậu cần Miền đã:
    • Kiện toàn tổ chức của cơ quan hậu cần chiến dịch, gồm 12 phòng: phòng Tham mưu – kế hoạch (P1); phòng Chính trị (P2); phòng Quân nhu (P3); phòng Kỹ thuật- Quân giới (P4); phòng Quân y (P5); phòng Tài vụ (P6); phòng Sản xuất (P7); phòng Xăng xe (P8); phòng Vận tải (P9); phòng Văn phòng Cục (P10); phòng Vật tư- khí tài (P11) và phòng Kiến thiết cơ bản (P12).
    • Tổ chức hoàn chỉnh 15 bệnh viện và 17 đội triều trị. Trên cơ sở lực lượng hậu cần tại chỗ, điều chỉnh bố trí 8 đoàn hậu cần khu vực (210, 220, 230, 235, 240, 340 [12],770, 814…) áp sát mục tiêu Sài Gòn từ mọi phía để đảm bảo cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn – Gia Định toàn thắng[13].
    • Trên cơ sở tăng cường cho hậu cần chiến dịch, cục Hậu cần Miền nhanh chóng điều chỉnh lực lượng, bổ sung vật chất cho phù hợp với quyết tâm của Bộ Tư lệnh chiến dịch, đảm bảo hậu cần kỹ thuật cho 5 hướng tiến công giải phóng Sài Gòn. Đồng thời tăng cường lực lượng và vật chất cho các cấp từ quân khu, quân đoàn trở xuống để các lực lượng của Miền chủ động hơn, tạo thành một thế trận hậu cần vững chắc và liên hoàn, bám sát chiến dịch, phục vụ đầy đủ, kịp thời cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân toàn Miền [14].
  • Mùa Xuân 1975, lúc đầu Bộ chính trị và Quân ủy Trung ương chủ trương giải phóng hoàn toàn miền Nam trong 2 năm, nếu có thể thì giải phóng ngay trong năm 1975. Để chuẩn bị cho quyết tâm chiến lược này, đòi hỏi Cục Hậu cần Miền phải tập trung cao độ xây dựng và triển khai một kế hoạch đảm bảo về hậu cần và kĩ thuật hết sức to lớn và toàn diện... Trước những biến đổi mau lẹ của chiến trường, ta chủ trương quyết tâm giải phóng miền Nam trước mùa mưa 1975. Cuộc tổng tiến công chiến lược diễn ra trên địa bàn miền Nam vừa rộng và dài hàng ngàn cây số lại phải đảm bảo nhiều cánh quân, đặc biệt là các quân đoàn cơ giới vận động đến đâu thì cơ sở vật chất hậu cần kỹ thuật phải vươn theo đến đó, quan trọng là lượng vật chất cho trận đánh cuối cùng đòi hỏi một khổi lượng rất lớn, chủng loại hết sức đa dạng… Vì vậy công tác đảm bảo hậu cần kĩ thuật cũng phải có phương thức bảo đảm thần tốc, kịp thời và đầy đủ cho chiến dịch.

Với tác phong sâu sát, Tướng Đinh Đức Thiện, Phó Tư lệnh Chiến dịch, sau khi đã trực tiếp đi kiểm tra một số cơ sở hậu cần và nghe Thiếu tướng Bùi Phùng Chủ nhiêm Hậu cần chiến dịch báo cáo, ông đã hoàn toàn yên tâm, đăc biệt với lượng vật chất đã có trong tay rồi kết luận:" Việc tổ chức đảm bảo lượng vật chất cũng như bố trí lực lượng hậu cần ở các cụm các tuyến đã tạo thành một thế trận Hậu cần liên hoàn và vững chắc, sẵn sàng đáp ứng hiệu quả mọi tình huống, mọi yêu cầu của Chiến dịch ..."

Theo đúng như trong báo cáo mà câu trả lời của Tướng Đinh Đức Thiện trước Trung ương về tình hình chuẩn bị hậu cần kĩ thuật: "... có thể bắn đến mấy đời" và lời của ông với cán bộ chiến sĩ ‘’... các cậu cứ bắn thật mạnh vào! Bắn cho chúng nó sợ. Sợ đến ba đời !’’ [15] .

“Thành công trên mặt trận hậu cần là một thành công có tầm chiến lược của chiến trường B2. Hay nói cách khác thành công của hậu cần B2 là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ trên chiến trường B2”[17].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Địa điểm căn cứ Cục hậu cần Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (1973–1975) http://www.kyvatkhangchien.com/2017/11/238-vai-net... http://dulichlocninh.binhphuoc.gov.vn/index.php?la... http://dulichlocninh.binhphuoc.gov.vn/index.php?la... http://dsvh.gov.vn/di-tich-lich-su-can-cu-bo-chi-h... http://vhttdlkv3.gov.vn/PrintVersion.aspx?i=5282 http://btlsqsvn.org.vn/Introduction/bai-viet/can-c... http://www.qdnd.vn/45-mua-xuan-toan-thang/phat-huy... http://special.vietnamplus.vn/duong_ong_xang_dau http://www.vietnamplus.vn/binh-phuoc-don-nhan-bang... https://www.quansuvn.net/index.php/topic,1667.20.h...